Lạm phát là gì? Nó ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào? Hãy cùng theo dõi ngay trong bài viết này.
1. Lạm phát là gì?
Trong một nền kinh tế, lạm phát chính là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Khi so sánh với các nền kinh tế khác thì lạm phát lại là sự phá giá tiền tệ của một loại tiền tệ so với các loại tiền tệ khác. Để dễ dàng hơn, bạn có thể hiểu như sau:
- Theo nghĩa đầu tiên thì lạm phát chính là sự mất giá của đơn vị tiền tệ trong phạm vi kinh tế của một quốc gia.
- Còn theo nghĩa thứ hai thì lạm phát chính là sự mất giá của một loại tiền tệ trong phạm vi thị trường toàn cầu.
Ở đâu còn sản xuất hàng hoá, còn tồn tại những quan hệ hàng hoá tiền tệ thì ở đó còn ẩn náu khả năng lạm phát. Và lạm phát chỉ xuất hiện khi các quy luật của lưu thông tiền tệ bị vi phạm. Ngược lại với lạm phát là giảm phát. Và đây vẫn là một chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế học vĩ mô.
2. Lạm phát có bao nhiêu loại
Lạm phát là gì và tùy theo mức độ lạm phát, ta có thể chia thành các loại sau:
2.1. Lạm phát vừa phải
Lạm phát vừa phải hay còn gọi là lạm phát một con số, có tỷ lệ lạm phát dưới 10%/ 1 năm. Loại lạm phát này làm cho giá cả biến động tương đối. Trong thời kỳ này, nền kinh tế hoạt động bình thường, đời sống của lao động ổn định. Sự ổn định đó được biểu hiện qua:
- Giá cả tăng lên chậm
- Lãi suất tiền gửi không cao
- Không xảy ra với tình trạng mua bán và tích trữ hàng hoá với số lượng lớn
Có thể nói lạm phát vừa phải tạo nên tâm lý an tâm cho người lao động chỉ trông chờ vào thu nhập. Trong thời gian này, các hãng kinh doanh có khoản thu nhập ổn định, ít rủi ro nên sẵn sàng đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
2.2. Lạm phát phi mã
Lạm phát phi mã xảy ra khi giá cả tăng tương đối nhanh với cả tỷ lệ lên đến 2 hoặc 3 con số/ một năm ở mức phi mã.
Loại lạm phát này làm cho:
- Giá cả chung tăng lên nhanh chóng
- Gây biến động lớn về kinh tế
- Các hợp đồng được chỉ số hoá
Lúc này người dân tích trữ hàng hoá, vàng bạc, bất động sản và không bao giờ cho vay tiền ở mức lãi suất bình thường. Lạm phát phi mãy khi đã trở nên vững chắc sẽ gây ra những biến dạng kinh tế nghiêm trọng.
2.3. Siêu lạm phát
Loại lạm phát này xảy ra khi lạm phát đột biến tăng lên với tốc độ cao vượt xa lạm phát phi mã. Một định nghĩa đơn giản là chỉ số lạm phát hàng tháng từ 50% trở lên. Nghĩa là cứ 51 ngày trôi qua thì giá cả lại tăng gấp đôi.
Lúc này, siêu lạm phát khiến cho:
- Tốc độ lưu thông tiền tệ tăng nhanh
- Giá cả tăng không ổn định
- Tiền lương thực tế bị giảm mạnh
- Tiền tệ mất giá nhanh chóng và thông tin không còn chính xác
Các yếu tố thị trường biến dạng và hoạt động kinh doanh lâm vào tình trạng rối loạn. Tuy nhiên, siêu lạm phát rất ít khi xảy ra.
Ngoài ra, lạm phát ở các nước đang phát triển thường diễn ra trong một thời gian dài, vì vậy hậu quả của nó thường phức tạp và trầm trọng hơn. Các nhà kinh tế học đã chia lạm phát thành 03 loại:
- Lạm phát kinh niên kéo dài trên 3 năm với tỷ lệ lạm phát dưới 50%/năm
- Lạm phát nghiêm trọng thường kéo dài trên 3 năm với tỷ lệ lạm phát trên 50%/năm
- Siêu lạm phát kéo dài trên một năm với tỷ lệ lạm phát trên 200%/năm.
3. Nguyên nhân gây ra lạm phát là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát. Nhưng trong đó hai nguyên nhân chính đó là: Lạm phát do cầu kéo và lạm phát do chi phí đẩy. Ngay bây giờ, hãy cùng Topnews.com.vn tìm hiểu về tất cả các nguyên nhân gây ra lạm phát ngay dưới đây nhé.
3.1. Lạm phát do cầu kéo là gì?
Đây là loại lạm phát tăng lên về cầu (nhu cầu tiêu dùng). Khi nhu cầu của thị trường về một mặt hàng nào đó tăng lên sẽ kéo theo sự tăng lên về giá cả của mặt hàng đó. Lâu dần, giá cả của các mặt hàng khác cũng theo đó mà leo thang. Điều này dẫn đến sự tăng giá của hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường.
Ví dụ: Giá xăng tăng, kéo theo rất nhiều sản phẩm khác tăng theo như: Giá cước taxi, giá hoa quả,…
3.2. Lạm phát do chi phí đẩy
Chi phí đẩy của hầu hết các doanh nghiệp đều bao gồm: Tiền lương, giá cả nguyên liệu đầu vào, máy móc, chi phí bảo hiểm, thuế,… Khi giá của một hoặc một vài yếu tố trên tăng lên thì chắc chắn chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng phải tăng theo nhằm đảm bảo lợi nhuận. Cứ như bậy, mức giá chung của toàn thể nên kinh tế cũng sẽ tăng.
3.3. Lạm phát do cơ cấu
Đối với những nhóm ngành kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tăng dần tiền công danh nghĩa cho người lao động. Còn đối với những nhóm ngành kinh doanh kém hoặc không có hiệu quả, doanh nghiệp vẫn sẽ phải tăng tiền công cho người lao động. Bên cạnh đó, khi phải tăng tiền công cho lao động, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả bắt buộc phải tăng giá thành sản phẩm để đảm bảo mức lợi nhuận và làm phát sinh lạm phát.
3.4. Lạm phát do nhu cầu thay đổi
Khi nhu cầu của thị trường giảm tiêu thụ về một mặt hàng nào đó sẽ dẫn đến nhu cầu về một mặt hàng khác tăng lên. Và nếu thị trường có người cung cấp độc quyền, thì giá cả sẽ có tính chất cứng nhắc (chỉ có thể tăng mà không thể giảm). Kết quả dẫn đến mức giá chung tăng lên, lâu dần dẫn đến lạm phát.
3.5. Lạm phát do xuất khẩu
Khi mặt hàng xuất khẩu tăng sẽ dẫn đến tổng cầu cao hơn tổng cung. Có nghĩa là các sản phẩm được thu gom để xuất khẩu nhiều, khiến lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước giảm, làm cho tổng cung trong nước thấp hơn tổng cầu. Khi tổng cung và tổng cầu mất cân bằng sẽ nảy sinh ra lạm phát.
3.6. Lạm phát do nhập khẩu
Khi hàng hóa nhập khẩu tăng lên (có thể do thuế nhập khẩu hoặc do giá cả trên thế giới) sẽ khiến cho sản phẩm đó trong nước phải tăng lên. Khi mức giá chung bị giá nhập khẩu đội lên sẽ sinh ra lạm phát.
3.7. Lạm phát tiền tệ
Khi lượng tiền trong nước tăng lên, chẳng hạn do ngân hàng trung ương mua ngoại tệ vào để giữ cho đông tiền trong nước không bị mất giá so với ngoại tệ. Hoặc do ngân hàng trung ương mua công trái theo yêu cầu của nhà nước làm cho lượng tiền trong lưu thông tăng lên. Đây chính là nguyên nhân gây lạm phát.
4. Ảnh hưởng của lạm phát đối với kinh tế
4.1. Ảnh hưởng tích cực của lạm phát là gì?
Khi lạm phát ở mức độ vừa phải: Từ 2-5 % ở các nước đang phát triển và dưới 10% ở các nước phát triển. Điều này sẽ mang đến những lợi ích sau:
- Kích thích các ngành tiêu dùng, vay nợ, đầu tư và giảm bớt thất nghiệp trong xã hội.
- Cho phép chính phủ đầu tư vào những lĩnh vực kém ưu tiên, thông qua mở rộng tín dụng, giúp phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định có chọn lọc. Tuy nhiên, đây là công việc khó và nhiều rủi ro. Nếu không chủ động sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
4.2. Ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát là gì?
Nếu lạm phát xảy ra ở mức độ cao và lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của một quốc gia như: Suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng, đời sống của người lao động trở nên khó khăn hơn sẽ làm giảm lòng tin của dân chúng đối với Chính phủ…
Bên cạnh đó, khi lạm phát tăng lên mà thu nhập danh nghĩa của người lao động không thay đổi. Điều này làm cho thu nhập thực tế của họ bị giảm xuống.
Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn hiểu được lạm phát là gì và những vấn đề xung quanh khái niệm này. Hãy thường xuyên theo dõi những bài viết mới nhất trong chuyên mục Tin tức của Topnews.com.vn để có thêm nhiều kiến thức không chỉ về tài chính mà còn các vấn đề về thời tiết, giá xe,… bạn nhé.
Tùng Hoàng tổng hợp