1. Thực trạng lo lắng trong cộng đồng mùa dịch cúm Covid-19 (Coronavirus)
Lo âu trong giai đoạn dịch cúm Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới là hiện tượng rất dễ nhận thấy. Biểu hiện đầu tiên của lo âu trong cộng đồng là mọi người tranh nhau mua nhu yếu phẩm, giấy vệ sinh, khẩu trang y tế, nước rửa tay khô,…tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa.
Song song với đó là “khủng hoảng niềm tin” của người dân đối với chính quyền quốc gia sở tại. Ví dụ điển hình là trong khi số người tử vong vì mắc Cororavirus ở Trung Quốc – nơi được xem là nguồn khởi phát của “đại dịch” – là 3,245; thì tỷ lệ này tính đến ngày 19/3/2020 ở Ý đã là 2,978 và Iran là 1,135; Mỹ là 155. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có ca tử vong nào do Covid-19. Tuy nhiên, số người mắc Corona virut ỏ Việt Nam tính đến tối ngày 18/3/2020 đã lên đến 76.
Một cuộc thăm dò mới từ Axios-Ipsos cho thấy, gần 1/3 người Mỹ trưởng thành nói rằng tâm trạng của họ đã trở nên tồi tệ hơn do sự bùng phát của Corona virut. Trong một cuộc phỏng vấn với “CBS Evening News”, Norah O’Donnell đã phỏng vấn nhà tâm lý học (và là cộng tác viên của CBS News) Lisa Damour, để chia sẻ những mẹo giúp kiểm soát căng thẳng và lo lắng liên quan đến coronavirus. Chuyên gia cũng thảo luận cách cha mẹ nói về đại dịch với con của mình để trẻ tự giác học cách bảo vệ mình.
2. Làm thế nào để kiểm soát và đối phó với lo âu về dịch cúm Covid-19 (Corona virut)?
2.1. Lo âu về đại dịch cúm Corona virut là điều bình thường
Theo tiến sĩ Lisa Damour, chúng ta trước hết cần nhìn nhận rằng lo lắng là một hiện tượng bình thường và đôi khi lành mạnh. Bởi vì, nỗi lo lắng trước một sự kiện nào đó sẽ thúc đẩy chúng ta đi tìm giải pháp hiệu quả hơn. Điều quan trọng là chúng ta cần chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt. Việc tự chăm sóc này bao gồm cả tăng cường chế độ ăn uống đủ chất, và rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, bạn cần biết cách chắt lọc tin tức chính xác để tránh “fake news” gây hoang mang, lo lắng.
2.2. Xác định nguyên nhân của lo âu về dịch cúm Covid-19
Lo lắng kéo dài mà không được can thiệp phù hợp sẽ dẫn đến rối loạn lo âu mãn tính. Do đó, tiến sĩ Lisa Damour khuyên rằng, chúng ta nên bình tâm, xem xét điều gì thực sự đang khiến chúng ta lo sợ như vậy (sợ virut sẽ xâm nhập và cơ thể không đủ sức kháng cự, sợ nhà cầm quyền không can thiệp,…).
2.3. Hãy đánh lạc hướng nỗi lo âu của mình!
Và, đôi khi, hãy đánh lạc hướng nỗi lo âu của mình. Bằng cách nào ư? Thỉnh thoảng, đi kiểm tra sức khỏe toàn diện, đi xem một bộ phim vui nhộn, gọi điện cho ai đó để tâm sự hết “nỗi lòng mùa dịch” của mình – nhưng nhớ là hãy chọn một người có tinh thần lạc quan và nhận thức rộng để bạn không bị kéo theo bởi cảm xúc tiêu cực của họ nhé.
2.4. Giữ kết nối với người khác nhưng vẫn đảm bảo cách ly về khoảng cách
Trong khoảng thời gian dịch cúm Coronavirus đang dần đến “đỉnh dịch” ở các nước ngoài Trung Quốc, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy ở trong nhà nhiều nhất có thể. Nghĩa là, nếu không có việc quá cấp bách, bạn không nên ra đường, tiếp xúc người khác. Chính sách này được ban hành là để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Nhưng, nếu cứ “ru rú” ở nhà, làm thế nào để bạn vẫn giữ được cảm giác kết nối với người khác?
- Lâu lâu, hãy nhắn tin cho bạn bè, người thân của mình. Trong tin nhắn, bạn có thể hỏi thăm sức khỏe, công việc hiện tại,…
- Sử dụng các kết nối từ mạng xã hội như Facebook, Instagram,…Hãy nhớ rằng, chúng ta đang ở thời đại 4.0 và mọi người đều được kết nối với nhau thông qua Internet.
3. Làm gì để giúp trẻ giảm lo âu dịch cúm Covid-19 và tự bảo vệ mình?
3.1. Hãy nói chuyện với trẻ về đại dịch Corona virut
Cuộc sống của trẻ đã thay đổi đáng kể ngay từ đầu giai đoạn khởi phát dịch Corona virut. Học sinh các cấp đều được nghỉ học ở nhà để ngăn ngừa tình trạng lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, người lớn vẫn phải đi làm. Các con chắc chắn có rất nhiều câu hỏi không biết nên nói với ai, hoặc vì cha mẹ có phản ứng không hiệu quả nên trẻ ít chia sẻ.
Vì vậy, tiến sĩ Lisa Damour khuyến khích các bậc phụ huynh trước tiên hãy kiên nhẫn trả lời tất cả câu hỏi của trẻ. Để bắt đầu cuộc trò chuyện, bạn có thể nói với con: “Con ơi, nay nghỉ học do mùa dịch, con có điều gì lấn cấn muốn hỏi ba/ mẹ không? Con cảm thấy thế nào về chuyện này? Suy nghĩ của con thế nào?”. Sau đó, hãy để trẻ nói về những gì đang thực sự diễn ra trong tâm trí các con.
3.2. Giúp trẻ duy trì và phát triển tương tác xã hội
Chúng ta đều cần tương tác xã hội ở mức độ nào đó, trẻ em cũng vậy. Việc nghỉ học ở nhà trong thời gian dài sẽ khiến các con cảm thấy nhàm chán, khó chịu, đôi khi mất định hướng khi thiếu sự kết nối với bạn bè, đặc biệt là thầy cô và nhà trường. Thế nên, bố mẹ hãy tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giúp con duy trì các mối tương tác xã hội này nhé.
Về phía nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm nên tạo các group họp lớp online. Kênh kết nối xã hội này cũng sẽ giúp ích trong việc truyền tải bài học trong thời gian trẻ ở nhà tránh dịch. Thậm chí, chúng có thể phát triển một số kỹ năng cần thiết khác cho trẻ. Chẳng hạn như kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Google, kỹ năng tin học,…Không chỉ thế, sự tự giác học tập của các con cũng từ đó được hình thành.
Tình trạng lo âu dịch cúm Covid-19 là điều khó tránh khỏi. Cũng như các loại lo lắng khác, tình trạng lo âu này vừa có lợi, vừa có hại. Thay vì để bản thân chìm vào những cảm xúc khó chịu của sự căng thẳng, hãy tìm cách ứng phó lại nó. Những gợi ý trên đây sẽ giúp bạn tìm kiếm cách giải quyết stress hiệu quả nhất cho mình. Nếu hiệu quả, đừng quên khuyến khích bạn bè, con cái thực hiện cách tương tự để giảm bớt nỗi lo âu của họ nhé.
(Theo CBSNews & The New York Times)
Trúc Nguyễn lược dịch