Đối với một số người mắc bệnh viêm gan B khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, có nghĩa là bệnh kéo dài hơn 6 tháng sẽ làm tăng nguy cơ bị suy gan, ung thư gan hoặc xơ gan. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong. Do đó, việc xét nghiệm viêm gan B là hết sức quan trọng để tầm soát bệnh và biết được cơ thể đã có miễn dịch bảo vệ hay chưa.
1. Bệnh viêm gan B là gì?
- Trên thực tế, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trên thế giới rất khác nhau. Tại Đông Nam Á, châu Phi và Trung Quốc có tỷ lệ cao nhất. Vì thế, so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam là đất nước có số người nhiễm viêm gan B khá cao chiếm trên 8% dân số.
- Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm. Thủ phạm gây nên bệnh là virus viêm gan B hay còn gọi là HBV. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của gan. Nếu bệnh chuyển biến xấu có thể gây nhiễm trùng gan và đe dọa đến tính mạng.
- Viêm gan B là lý do dẫn đến tình trạng suy gan, xơ gan và ung thư gan. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ một đối tượng nào. Để phát hiện bệnh viêm gan B chúng ta có thể dựa vào thăm khám.
2. Khi nào cần xét nghiệm viêm gan B?
2.1. Bạn cần phải thực hiện xét nghiệm khi nào?
Do Việt nam có tỷ lệ mắc viêm gan B cao, vì vậy mọi người đều nên xét nghiệm ít nhất một lần để biết mình có mắc viêm gan B hoặc đã có miễn dịch bảo vệ chưa. Bệnh viêm gan B ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp quá trình điều trị mang lại kết quả tích cực.
Các đối tượng chắc chắn phải làm xét nghiệm sàng lọc bao gồm:
- Phụ nữ có thai sàng lọc sớm để giảm tối đa nguy cơ lây truyền bệnh cho con.
- Người nhiễm HIV vì họ có hệ miễn dịch kém.
- Nhân viên y tế hoặc các ngành nghề khác thường xuyên tiếp xúc với vật sắc nhọn,…
Thông thường xét nghiệm viêm gan B được chỉ định khi bạn có một trong những yếu tố nguy cơ sau:
- Người có tiền sử mắc bệnh viêm gan cấp tính.
- Những người vừa mới di chuyển hoặc sinh sống tại vùng có tỉ lệ lớn mắc bệnh viêm gan B.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh viêm gan B.
- Những người hiến máu định kỳ.
- Những người có dấu hiệu mắc bệnh viêm gan B. Ví dụ: chán ăn, buồn nôn, sốt nhẹ, ngứa ngáy,…
2.2. Tầm quan trọng của việc xét nghiệm sàng lọc viêm gan B
Đa số người mắc viêm gan B không có triệu chứng đồng nghĩa với tỷ lệ người nhiễm viêm gan B không biết bản thân bị bệnh là rất nhiều. Đó là nguyên nhân khiến bệnh lây truyền trong cộng đồng. Vì vậy, người khỏe mạnh và người có nguy cơ mắc bệnh đều nên làm xét nghiệm viêm gan B, mục đích là để:
- Chẩn đoán viêm gan B cấp và mạn tính để theo dõi và điều trị bệnh kịp thời
- Kiểm tra xem cơ thể đã có miễn dịch bảo vệ chưa để tiêm vắc xin dự phòng
- Giảm thiểu việc tiêm phòng vacxin không cần thiết. Nếu xét nghiệm sàng lọc xác định người bệnh đã mắc viêm gan B, đã có miễn dịch bảo vệ (do đã tiêm phòng hoặc do mắc viêm gan B trước đây) thì không cần tiêm phòng nữa
- Giúp người nhiễm bệnh đưa ra các biện pháp bảo vệ sức khỏe kịp thời, tránh tốn kém về kinh tế, sức khỏe giảm sút hoặc không đáp ứng điều trị
3. Các xét nghiệm bệnh viêm gan B
3.1. Xét nghiệm HBsAg
Xét nghiệm HBsAg là xét nghiệm quan trọng nhất, mang tính chất quyết định trong chẩn đoán viêm gan B. Nó vừa là xét nghiệm định tính vừa là xét nghiệm định lượng:
- Xét nghiệm định tính: Là xét nghiệm cho biết bệnh nhân có bị viêm gan B hay không
- Xét nghiệm định lượng cho biết nồng độ virus (kháng nguyên) nhiều hay ít, có giá trị để theo dõi điều trị
Kết quả xét nghiệm được kết luận như sau:
- Xét nghiệm HBsAg (-) chứng tỏ không bị nhiễm virus. Tuy nhiên, rất có thể trong giai đoạn này virus mới xâm nhập, cơ thể chưa kịp tạo kháng thể nên mới có kết quả âm tính. Nếu người khám nghi ngờ nguy cơ bị lây nhiễm là cao thì nên đi xét nghiệm lại sau 6 tháng. Khi đó kết quả sẽ phản ánh chính xác tình trạng bệnh.
- Xét nghiệm HBsAg (+) trong lần xét nghiệm đầu tiên thì chứng tỏ có virus tồn tại trong cơ thể và rất có thể đang trong giai đoạn tiến triển thành mãn tính.
- Xét nghiệm HBsAg (+) lần 2 cách lần 1 khoảng trên 6 tháng, nghĩa là bệnh nhân đã mắc viêm gan B mạn.
Tuy nhiên, do phần lớn bệnh nhân viêm gan B tại Việt Nam nhiễm virus từ lúc sinh hoặc khi còn nhỏ nên xét nghiệm HBsAg (+) thường có nghĩa là đã mắc viêm gan B mạn. Người có HBsAg (+) cần được tư vấn và khám định kỳ để giảm nguy cơ bệnh tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.
3.2. Xét nghiệm Anti-HBs
Xét nghiệm anti-HBs: Anti-HBs được tạo ra sau tiêm phòng hoặc do trước đây đã mắc virus viêm gan B và tự hồi phục. Vì vậy, xét nghiệm này dùng để kiểm tra xem cơ thể đã sản xuất ra miễn dịch bảo vệ hay chưa.
- Kết quả xét nghiệm HBsAb (+) cho thấy người lành đã đáp ứng với vacxin sau khi được tiêm chủng hoặc là người bị nhiễm virus viêm gan B đã bình phục sau khi nhiễm virus cấp tính.
- Kết quả HbsAg (-) có nghĩa là hiện tại người dùng chưa đáp ứng vacxin hoặc cơ thể chưa bao giờ tiếp xúc với virus. Thông thường, nồng độ Anti-HBs > 10 mUI/ml được coi là có tác dụng bảo vệ.
3.3. Xét nghiệm HBeAg
HBeAg chính là một đoạn kháng nguyên vỏ capsid của virus viêm gan B. HBeAg là một kháng nguyên xuất hiện khi virus đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh.
- Nếu bệnh nhân dương tính với HBeAg thì chứng tỏ virus đang phát triển mạnh lên và có khả năng lây lan.
- Nếu bệnh nhân âm tính với HBeAg thì có thể virus không hoạt động hoặc virus đột biến. Để xác định chính xác hơn bệnh nhân cần xét nghiệm HBV – DNA và HBV genotyping.
3.4. Xét nghiệm Anti-HBe
Anti-HBe là kháng thể kháng HBeAg. Nếu kết quả xét nghiệm Anti-HBe dương tính nghĩa là bệnh nhân đã có miễn dịch một phần. Nếu kết quả xét nghiệm Anti-HBe âm tính nghĩa là bệnh nhân chưa có miễn dịch với virus viêm gan B.
Cặp xét nghiệm HBeAg và Anti-HBe nên làm đầy đủ để phân tích 4 khả năng như sau:
- Trường hợp HBeAg (+) và Anti-HBe (-): Virus đang hoạt động mạnh, nhân bản, viêm gan tiến triển, dễ lây lan;
- Trường hợp HBeAg (-) và Anti-HBe (+): Virus ngừng nhân bản, cơ thể có miễn dịch một phần, khả năng lây lan giảm đáng kể. Cũng có thể là thể đột biến hoang dại;
- Trường hợp HBeAg (+) và Anti-HBe (+): KN và KT cân bằng hoặc do phức hợp miễn dịch. Bệnh nhân cần được theo dõi thêm;
- Trường hợp HBeAg (-) và Anti-HBe (-): Biến thể Pre-C hoặc giai đoạn cửa sổ của quá trình chuyển đảo huyết thanh.
3.5. Xét nghiệm Anti-HBc
Anti-HBe là kháng thể kháng HBeAg. Nếu xét nghiệm Anti-HBe dương tính chứng tỏ bệnh nhân có miễn dịch một phần. Xét nghiệm Anti-HBe âm tính chứng tỏ cơ thể chưa có miễn dịch với virus viêm gan B.
3.6. Xét nghiệm Anti-HBc IgM
Anti-HBc IgM là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B typ IgM. Anti-HBc IgM xuất hiện trong giai đoạn viêm gan B cấp hay đợt cấp của viêm gan B mạn tính. Xét nghiệm Anti-HBc và Anti-HBcIgM nhằm xác định bệnh nhân viêm gan cấp hay mạn tính.
Để kết quả xét nghiệm viêm gan B chính xác, bệnh nhân cần lưu ý:
- Nhịn ăn từ 4 – 6 tiếng trước khi làm xét nghiệm. Vì thức ăn có thể ảnh hưởng đến một số phản ứng sinh hóa, dẫn đến sai lệch trong kết quả
- Không uống thuốc trước khi làm xét nghiệm, đặc biệt là các thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tâm lý…
- Không uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích gần thời gian làm xét nghiệm
- Nên thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng. Lúc này cơ thể đã có thời gian cả đêm thanh lọc các chất dư thừa và độc hại.
- Thực hiện xét nghiệm viêm gan B, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tuân thủ hướng dẫn và lời khuyên của bác sĩ.
4. Chi phí xét nghiệm viêm gan B
Trong trường hợp bạn chỉ muốn thực hiện các xét nghiệp thông thường để xác định xem cơ thể có khả năng mắc viêm gan B hay không thì chi phí xét nghiệm chỉ rơi vào khoảng 50.000 – 150.000 VNĐ. Chi phí sẽ giao động tùy thuộc vào bệnh viện hoặc phòng khám/ phòng xét nghiệm mà bạn chọn.
Trong trường hợp, kết quả xét nghiệm của bạn đã mắc bệnh viêm gan B, bạn sẽ được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm và kiểm tra chuyên sâu. Lúc này, chi phí xét nghiệm sẽ nhiều hơn, rơi vào khoảng 2.000.000 VNĐ/ tổng các xét nghiệm.
Do đó, khi đi xét nghiệm viêm gan B hay bất kỳ loại xét nghiệm nào khác, bạn cần chủ động mang thêm một khoản tiền dư dả để trả cho các chi phí phát sinh khác trong quá trình xét nghiệm.
Các xét nghiệm viêm gan B sẽ cho bạn biết có hay không sự tồn tại và sinh sôi của virus viêm gan B bên trong cơ thể bạn. Có khoảng 5 – 10% những người bị viêm gan B cấp diễn tiến sang viêm gan mạn, đến gần hơn với xơ gan và ung thư gan. Do đó, việc hỗ trợ phòng bệnh bằng cách tiêm ngừa virus và kiểm tra các xét nghiệm viêm gan định kỳ cách tốt nhất để bạn bảo vệ sức khỏe của mình.
Gia Vĩ tổng hợp