1. Giới thiệu về kinh thành Huế

Kinh thành Huế hay Thuận Hóa kinh thành là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến khi thoái vị vào năm 1945. Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Kinh thành Huế
Kinh thành Huế một địa điểm du lịch Huế được du khách yêu thích. Ảnh Internet

Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803 và khởi công xây dựng từ 1805, hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Hiện nay, Kinh thành Huế có vị trí trong bản đồ Huế như sau:

  • Phía nam giáp đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn
  • Phía tây giáp đường Lê Duẩn
  • Phía bắc giáp đường Tăng Bạt Hổ
  • Phía đông giáp đường Phan Đăng Lưu.

Kinh thành hình vuông với chu vi 10km, cao 6,6m, dày 21m, gồm có 10 cửa để ra vào. Xung quanh và ngay trên thành có thiết lập 24 pháo đài để phòng thủ. Ngoài ra còn có một cửa phụ thông với Trấn Bình Đài gọi là Thái Bình Môn.

2. Bên trong kinh thành Huế

Bên trong Kinh thành, có nhà dân, nhà các quan lại ở và phần quan trọng nhất là Khu vực Hoàng Thành – nơi ở và làm việc của vua và hoàng gia.

2.1. Hoàng Thành (Đại Nội)

Là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành Huế, nơi ở của vua và Hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình. Ngoài ra Hoàng thành Huế còn là nơi thờ tự tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn.

Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất. Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt, trong đó cửa chính (ở phía Nam) là Ngọ Môn.

Hoàng Thành Huế
Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành Huế. Ảnh Internet

2.2. Tử Cấm Thành

Là vòng thành trong cùng, nằm trong Hoàng thành. Tử Cấm thành nguyên gọi là Cung Thành, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 2 (1803), năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi tên thành Tử Cấm Thành.

Thành có hình chữ nhật, cạnh nam và bắc dài 341m, cạnh đông và tây dài 308m, chu vi 1300m. Ở mặt trước, phía nam là cửa chính là Đại Cung Môn.

Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, nằm trong Hoàng thành. Ảnh Internet.

3. Khám phá những điểm tham và di tích quan bên trong kinh thành Huế

3.1. Ngọ Môn

Ngọ Môn là cửa chính của Hoàng thành, nằm phía Nam kinh thành Huế. Đây là một tổng thể kiến trúc khá phức tạp, đồ sộ nguy nga, nhìn từ xa như một tòa lâu đài tráng lệ, nhưng cũng rất gần gũi, hài hòa với phong cảnh thiên nhiên và tâm hồn, tình cảm của con người xứ Huế. Từ dưới nền đất, hệ thống bậc cấp xây bằng những phiến đá dài, nằm lộ thiên nhưng rất kín đáo trong nền đài, dẫn lên trên lầu Ngũ Phụng.

Ngọ Môn Huế
Ngọ Môn là một trong những điểm nhấn của điểm nhấn của kinh thành Huế. Ảnh Internet

3.2. Điện Thái Hòa – biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn

Điện Thái Hòa là một biểu trưng quyền lực của Hoàng triều nhà Nguyễn. Nằm trong khu vực Hoàng thành, Điện Thái Hoà cùng Sân Đại Triều Nghi từng là nơi diễn ra các buổi thiết triều quan trọng của triều đình.

Điện Thái Hòa
Điện Thái Hòa – biểu trưng của quyền lực triều Nguyễn. Ảnh Internet

Cung điện được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc. Mái điện lợp ngói hoàng lưu ly, kiểu mái chồng diêm. Dải cổ diêm được phân khoảng ra thành từng ô hộc để trang trí hình vẽ và thơ văn trên những tấm pháp lam. 197 bài thơ được thảo theo lối nhất thi nhất họa là một trong những điểm đặc biệt của điện. Trong điện Thái Hòa hiện còn lưu giữ chiếc ngai vàng của các vua triều Nguyễn.

3.3. Duyệt Thị Đường

Duyệt Thị Đường nằm bên trong Tử Cấm Thành. Đây là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích và các quan đại thần của kinh thành Huế xem biểu diễn các vở tuồng xưa kia. Đây là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Duyệt Thị Đường được khôi phục và đưa vào hoạt động biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế phục vụ khách du lịch rất thu hút.

Duyệt Thị Đường
Biểu diễn điệu múa Lục cúng hoa đăng tại Duyệt Thị Đường. Ảnh Internet

3.4. Kỳ Đài

Nằm chính giữa mặt nam kinh thành Huế, Kỳ Đài thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh và cũng là nơi treo cờ của triều đình. Kỳ Đài có kiến trúc tương đối lớn, gồm: Đài cờ và cột cờ. Đài được xây bằng gạch, gồm 3 tầng như 3 hình tháp cụt xếp chồng lên nhau.

Đây không chỉ là vị trí trung tâm của Thành phố Huế mà còn là một biểu tượng của mảnh đất Cố đô qua rất nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.

Kỳ Đài kinh thành Huế
Từ Kỳ Đài có thể nhìn bao quát toàn bộ thành phố Huế. Ảnh Internet

3.5. Bảo tàng nghệ thuật cung đình Huế

Tại số 3, Lê Trực, Huế. Tòa nhà chính của viện bảo tàng chính là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Hiện bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế giúp người tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế.

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế nơi lưu giữ những kỹ vật tại kinh thành Huế. Ảnh Internet

3.6. Hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm là một trong những cảnh nổi tiếng nhất của đất Kinh thành, nay thuộc địa phận phường Thuận Thành, Thành phố Huế. Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.

Hồ Tịnh Tâm
Hồ Tịnh Tâm là một trong những cảnh nổi tiếng nhất của Kinh thành Huế. Ảnh Internet

3.7. Phố cổ Bao Vinh

Phố cổ Bao Vinh ngày hôm nay chỉ kéo dài khoảng vài trăm mét từ cầu Bao Vinh đến cống Địa Linh. Cũng giống như Hội An, nét kiến trúc điển hình ở ở Bao Vinh được tạo dựng lên từ những căn nhà rường cổ kiểu phố chợ, sườn gỗ, hai tầng và mái ngói thấp. Dãy nhà bên bờ sông được thiết kế theo kiểu nhà cổ tứ giác, hay còn gọi là nhà “bánh ú” quay mặt ra bờ sông.

Bao Vinh
Phố cổ Bao Vinh nằm bên dòng sông thơ mộng của. ẢNh Internet

Hãy tới Bao Vinh, dễ đem đến cho người ta cái cảm nhận thứ tình cảm bình dị, nơi cuộc sống nghèo khó vẫn thấp thoáng trong từng gian hàng gội đầu bé xíu và những bát chè, tào phớ của gánh hàng rong chỉ với giá 2.000 đồng.

4. Một vài lưu ý nho nhỏ cho những bạn lần đầu du lịch kinh thành Huế

Để bạn có một chuyến đi thật hoàn hảo và ý nghĩa thì ngoài việc nắm rõ những điạ danh xinh đẹp tại nơi này thì bạn cũng cần lưu ý cho mình những điều sau đây:

  • Chấp hành tốt quy định mua vé, mỗi người mua vé của mình và cầm sẵn trên tay để công tác soát vé được thực hiện nhanh chóng .
  • Chú ý giữ gìn vệ sinh chung cũng như cảnh đep của điểm du lịch. Không vứt hay xả rác bừa bãi, xung quanh dọc lối đi bên trọng đại nội có nhiều thùng rác và bạn nên chú ý để giữ vệ sinh.
  • Không được quay phim và chụp ảnh trong nội thất. Ngoài ra các bạn cũng không được tự ý sờ vào các hiện vật.
  • Tránh tạo dáng phản cảm hay mặc những trang phục không phù hơp và thiếu sự tôn kính khi tham quan cung đình Huế.

Với bài chia sẻ về Kinh thành Huế trên đây, Topnews.com.vn chúc các bạn có một ngày tham quan đầy thú vị và đừng quên chia sẻ thêm những kinh nghiệm hay cho chuyến du lịch của mình tại đây nhé!

Gia Vĩ tổng hợp