Bạn có biết? Một chiếc túi nilong bạn cầm đôi khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ. Nhưng để nó có thể biến mất và phân hủy hoàn toàn thì cần từ 500 – 1.000 năm. Điều này đã nói lên vấn nạn rác thải hiện nay khi không được xử lý đúng cách. Hãy tham khảo và phân loại rác thải ngay từ bây giờ để góp phần bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của chúng ta, bạn nhé.
1. Phân loại rác là gì?
Phân loại rác thải là một chu trình mà khi đó chất thải được chia ra thành nhiều phần khác nhau. Phân loại rác có thể diễn ra theo phương thức thủ công tại nhà hoặc được thu gom bởi các dịch vụ hoặc phân loại một cách tự động bằng máy móc. Ngày nay, việc phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong các công tác quản lý chất thải. Điều này góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán của các mầm bệnh, các yếu tố độc hại và nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc phân loại rác còn góp phần giúp tiết kiệm tài nguyên và giảm chi phí cho các công tác thu gom, xử lý rác thải.
2. Phân loại rác thải
Trước khi được đưa đi xử lý, rác thải sẽ được phân loại theo 4 nhóm chính. Cụ thể:
2.1. Rác hữu cơ
Đây là những loại rác dễ phân hủy và có thể được tái chế và đưa vào sử dụng trong việc làm phân bón (compost) cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho các loài động vật.
Rác hữu cơ bao gồm:
- Phần bỏ đi của các thực phẩm sau khi chế biến làm thức ăn.
- Những thực phẩm, rau củ thừa, hư hỏng và không thể sử dụng cho con người.
- Các loại hoa lá, cây, cỏ không được sử dụng nữa.
- Thức ăn thừa hoặc bị thiu, các loại bã chè, bã cà phê,..
- Khăn giấy, bìa cứng hoặc giấy viết đều được coi là phân hủy sinh học và tương đối an toàn với môi trường.
- Xác, phân động vật.
2.2. Rác vô cơ
Rác vô cơ là những loại rác không thể sử dụng và không thể tái chế được nữa. Mà chúng chỉ có thể xử lý bằng cách mang đến các khu chôn lấp rác thải. Những loại rác thải này tuy nhỏ bé và tưởng chừng như vô hại nhưng khi chôn lấp và xử lý sẽ phải mất từ 400 – 600 năm mới có thể phân hủy được. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước, đất. Chính vì vậy, trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, bạn nên hạn chế việc sử dụng loại rác này để bảo vệ môi trường.
Rác vô cơ bao gồm:
- Các loại bao bì bọc bên ngoài thực phẩm, chai, hộp.
- Túi nilong đựng thực phẩm.
- Một số loại vật dụng, thiết bị bằng nhựa.
- Một số vật dụng trong gia đình như đồ sành/ sứ bị vỡ hoặc không còn giá trị sử dụng.
- Các loại vỏ sò, ốc, vỏ trứng,…
- Những đồ da, đồ cao su, đồng hồ, băng đĩa, radio,.. bị hư hỏng.
- Các loại vật liệu xây dựng không thể sử dụng được nữa như gạch, đá,…
2.3. Rác tái chế
Rác tái chế là các loại rác khó phân hủy nhưng vẫn có thể tạo thành những vật liệu mới nhằm mục đích phục vụ cho đời sống của con người. Đây chính là giải pháp thay thế tối ưu cho việc rác thải ra môi trường. Nó có thể giúp tiết kiệm nguồn vật liệu cũng như giảm hiệu ứng nhà kính, khí độc ra môi trường thông qua việc đốt và cuối cùng là giảm đáng kể việc ô nhiễm do chôn lấp.
Rác tái chế bao gồm:
- Kim loại, vỏ hộp, chai nước ngọt, lon bia, nhựa gia dụng,…
- Các loại bàn ghế, thau, chậu thùng bằng nhựa cứng.
- Khung sắt, máy tàu hỏng, nhôm, đồng,…
- Quần áo, vải cũ
- Thùng carton, sách báo, bìa thư cũ,…
- Chai lọ thủy tinh có màu trong suốt.
- Dụng cụ nầu ăn như nồi, chảo bằng kim loại.
2.4. Rác thải nguy hại
Rác thải nguy hại bao gồm những chất thải dễ cháy, nổ, có tính oxy hóa cao, dễ ăn mòn và có độc tính đối với hệ sinh thái, con người. Loại rác thải này cần được xử lý đặc biệt để loại bỏ đặc tính nguy hại của nó.
Rác nguy hại bao gồm:
- Chất thải từ các ngành thăm dò, khai thái và chế biến dầu khí, than.
- Các sản phẩm từ sinh hoạt như cquy, pin hỏng, đèn huỳnh quang thải.
- Chất thải có thành phần sơn, vecni, chất kết dính, chất bịt kín, mực in, thuốc diệt trừ các loài gây hại.
- Chất thải từ chăm sóc y tế, hoá trị liệu, chất thải phóng xạ,…
- Bao bì thuốc trừ sâu, vỏ chai thuốc chứa chất gây độc,…
- Các loại gia súc, gia cầm chết do dịch bệnh.
- Bốn loại rác này cần được phân loại và tách riêng ngay tại nguồn. Bạn có thể đựng chúng trong túi nilong
- hoặc túi vải và giao cho đơn vị thu gom rác.
3. Hiện trạng của rác thải hiện nay
3.1. Hiện trạng rác thải tại Việt Nam
- Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng rác thải nhựa mỗi năm. Với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Trong đó, 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền.
- Mỗi ngày tại Việt Nam phát sinh thêm 12 triệu tấn rác. Dự đoán đến năm 2020 sẽ là 20 triệu tấn/ ngày.
- Tại Hà Nội, lượng rác trung bình tăng 15%/ năm, khối lượng rác trung bình là 5.000 tấn/ ngày. Tại TP.HCM, số lượng này là 7.000 tấn/ ngày. Ngân sách dùng để tiêu hủy lên đến 235 tỷ đồng/ năm.
3.2. Hiện trạng rác thải trên Thế giới
- Cứ mỗi một phút, toàn Thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Tổng cộng có 1/2 con số này là các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, từ ống hút, dây câu cá, hộp xốp cho đến tã trẻ em,..
- Trong 50 năm qua, số lượng nhựa được tiêu thụ đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.
- Gần 1/3 số túi nilong đã sử dụng không được thu gom và xử lý. Hậu quả mà nó để lại được các nhà khoa học gọi là “Ô nhiễm trắng”.
- Theo đó, hiểm họa đại dương vì rác thải nhựa là không thể tránh khỏi. Tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ, các bao cáo đã ước tính được rằng. Cho đến năm 2050, lượng rác thải đổ xuống biển sẽ nhiều hơn số lượng cá (tính theo trọng lượng)
- Hiện Thế giới đang phải đối mặt với hơn 9,1 tỉ tấn rác tích tụ trên Trái đất. Điều này gây ra xói mòn, ngăn cản oxy qua đất ảnh hưởng đến cây trồng, khí hậu,…
4. Tại sao phải phân loại rác
Với sự phát triển ngày càng nhanh của xã hội, theo đó, rác thải cũng được sinh ra nhiều hơn mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với việc ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên ngày một tăng theo. Do đó, việc phân loại rác ngay tại nhà là việc làm hoàn toàn cần thiết. Việc phân loại này giúp:
- Càng ít rác thải bị vứt đi thì càng ít việc trả phí vẫn chuyển rác.
- Phân loại rác giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên. Bạn có thể tận dụng rác hữu cơ làm phân bón cho rau củ.
- Phân loại rác giúp góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên.
- Việc phân loại còn giúp giảm thiểu tổng lượng rác ra cộng đồng. Tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
- Rác thải không được phân loại và chỉ chôn lấp thông thường sẽ tốn rất nhiều diện tích đất, chi phí và quan trọng nhất là gây ô nhiễm môi trường.
5. Rác thải sẽ được xử lý như thế nào sau khi phân loại?
Tùy vào loại rác mà sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Một số cách xử lý rác phổ biến hiện nay có thể kể đến như là:
5.1. Chôn lấp
Rác thải vô cơ, không thể tái chế sẽ được rải thành từng lớp sau đó sẽ được đầm nén để giảm thể tích, phủ đất lên. Sau đó sẽ được phun hóa chất để tăng hiệu quả xử lý và hạn chế tối đa lượng côn trùng.
- Ưu điểm: Công nghệ đơn giản, chi phí thấp, phù hợp với những đất nước nghèo hoặc đang phát triển.
- Nhược điểm: Tốn diện tích đất và gây ô nhiễm nặng cho môi trường.
5.2. Thiêu đốt
Quá trình thiêu đốt sẽ sử dụng nhiệt độ cao từ 1.000 – 1.100 độ C để phân hủy rác. Một số tỉnh thành trên nước ta đã áp dụng phương pháp này, nhưng chủ yếu vẫn là sử dụng cho các rác thải độc hại.
- Ưu điểm: Giảm đáng kể diện tích đất so với phương pháp trên, các nhà máy đốt rác có thể dùng để phát điện và biến rác thành nguyên liệu có ích.
- Nhược điểm: Chi phí đầu tư, vận hành cao. Phù hợp với những nước tiên tiến, phát triển.
5.3. Phân loại rác để chế biến thành phân compost
Phương pháp này được áp dụng cho các loại rác hữu cơ và dùng trong nông nghiệp.
- Quy mô xử lý tập trung: Sau khi được phân loại, rác hữu cơ sẽ được tách lý, nghiền, ủ hiếu khí để tạo vi sinh thành phân bón với số lượng lớn.
- Quy mô xử lý hộ gia đình: Các loại rác hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được để riêng và ủ thành phân ngay trong vườn nhà bạn.
Việc sử dụng rác hữu cơ làm phân compost là rất hữu ích. Vì loại phân này là chất mùn ổn định thu được từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ. Chúng không chứa các mầm bệnh, không lôi kéo côn trùng. Và có thể được lưu trữ an toàn, có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Phân hữu cơ rất cần cho cây trồng, nó vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, vừa duy trì độ phì nhiêu cho đất.
6. Lợi ích thực của tái chế rác thải
Việc bạn tái sử dụng rác thải có thể đem lại những loại ích thiết thực như:
- Tái chế khoảng 1 tấn nhựa sẽ tiết kiệm được số năng lượng sử dụng tủ lạnh trong một tháng.
- Mỗi tấn giấy khi tái chế tiết kiệm được: 400 lít dầu, 4.100 kW điện, 31.780 lít nước.
- Tái chế một tấn giấy và bìa carton sẽ cứu được 15 cây gỗ.
- Tái chế một lon nhôm, sẽ đủ năng lượng để một ti vi hoạt động trong ba giờ và một bóng đèn sáng trong 12 giờ.
- Năng lượng dùng để sản xuất một lon nhôm từ nguyên liệu thô sơ có thể sản xuất được đến 20 lon nhôm từ các loại nhôm tái chế.
Việc phân loại rác và tái chế các loại rác sẽ giúp cho môi trường sống xung quanh chúng ta trở nên “dễ thở” hơn. Bên cạnh đó, để việc phân loại dễ dàng và bảo vệ môi trường sống thì bạn còn có một lựa chọn khác thiết thực hơn là: Ngưng sử dụng đồ nhựa một lần, thay vào đó là các loại túi tái sử dụng nhiều lần.
Hiền Anh tổng hợp