Tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe con người hiện tại vẫn là một ẩn số lớn. Tùy vào kích thước của hạt bụi mà chúng có những tác hại nguy hiểm khác nhau. Hãy tham khảo bài viết để nắm rõ được tác hại của bụi mịn và cách phòng tránh tốt cho bản thân.
1. Bụi mịn và những điều cần biết
1.1. Bụi là gì?
Bụi hay các hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter, ký hiệu là PM. Đó là một hỗn hợp có chưa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn bay lơ lửng trong không khí. Trong bụi có chứa các thành phần như: sulfate, nitrat, amoniac, natri clorua, cacbon đen, bụi khoáng và nước.
1.2. Bụi mịn và phân loại bụi mịn
Bụi mịn là những hạt bụi có kích thước nhỏ và siêu nhỏ. Bụi mịn có kích thước nhỏ tới mức chúng ta chỉ có thể nhìn thấy chúng khi bám theo số đông trên các vật thể như mặt kính, mặt lá cây, mặt bàn ghế,…
Có 3 loại bụi mịn có kích thước siêu vi được biết đến nhiều nhất, đó là:
- PM10: là những hạt bụi nhỏ có kích thước đường kính trong khoảng từ 2.5 đến 10 micromet (kích thược bằng 1 phần triệu mét)
- PM2.5: là những hạt bụi nhỏ có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc băng 2.5 micromet.
- PM1.0: là những hạt bụi có kích thước đường kình nhỏ hơn hoặc bằng 1 micromet.
Hiện nay, người ta dùng chỉ số Air Quality Index (AQI) để đo số lượng bụi mịn trong không khí. AQI là đơn vị đo chỉ số phản ánh chất lượng không khí hằng ngày. Trong đó bao gồm cả chỉ số đo lượng bụi mịn. Chỉ số AQI càng cao thì không khí sẽ càng ô nhiễm. Thông thường chỉ số này được đánh giá như sau:
- 100 là kém.
- Trên 150 là xấu.
- Trên 200 là rất xấu.
- Trên 300 là nguy hại.
Dựa theo chỉ số này, người ta có thể nhận biết được số lượng bụi mịn có trong không khí. Đồng thời, cũng biết được mức độ nguy hiểm của nó. Điều này giúp chúng ta kịp thời tìm ra những biện pháp xử lý thích hợp.
2. Nguyên nhân hình thành bụi mịn
Có rất nhiều nguyên nhân hình thành bụi mịn. Thông thường, các hạt bụi mịn PM2.5 và PM10 có thể được sinh ra từ tự nhiên. Cụ thể, do cháy rừng, bụi sa mạc, khói lửa, bão cát, lốc xoáy,.. Hoặc do những chất thải của sinh vật như phấn hoa, bào tử nấm, nước thải côn trùng.
Nhưng hiện nay, đa phần bụi mịn đều được tạo ra từ những hoạt động của con người. Một số những tác nhân trực tiếp tạo nên một lượng bụi mịn đáng kể trong không khí như:
2.1. Khói bụi từ các phương tiện giao thông
Hiện nay, việc di chuyển của con người dường như hoàn toàn phụ thuộc vào những phương tiện giao thông. Thế nhưng, trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, các phương tiện này sẽ thải một lượng khói bụi rất lớn ra môi trường. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra bụi mịn trong không khí. Khi các phương tiện giao thông tăng thì lượng bụi mịn này cũng sẽ tăng theo. Điều này sẽ làm cho quá trình ô nhiễm không khí diễn ra nhanh hơn.
Thông thường, ở các thành phố sẽ dễ xảy ra tình trạng ô nhiễm bụi mịn hơn những vùng ngoại ô. Vì ở các thành phố, lượng phương tiện giao thông di chuyển đông hơn gấp nhiều lần so với các phương tiện ở ngoại ô.
2.2. Đốt rơm rạ, đốt rác, dùng than củi
Đốt rơm rạ, đốt rác hay dùng than củi cũng chính là những tác nhân gây nên ô nhiễm bụi mịn trong không khí. Khi đốt rơm rạ, đốt rác hay dùng than củi, con người vô tình đã giải phóng ra môi trường rất nhiều những loại khí độc hại. Cùng với những khí độc đó, những hạt bụi mịn cũng được sinh ra từ tàn tro. Chúng sẽ cùng bị gió thổi và khuyếch tán trong không khí.
Những hạt bụi mịn này có kích thước cực kì nhỏ và mắt thường rất khó để nhìn thấy được. Tuy vậy nhưng chúng lại có những ảnh hưởng không hề nhỏ đối với sức khỏe của chính chúng ta. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều cần phải biết tác hại của nó, và ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình.
2.3. Khói bụi từ nhà máy, khu công nghiệp, công trình
Ngày nay, các nhà máy, khu công nghiệp đang mọc lên ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu phát triển của nên kinh tế. Tuy nhiên, khí thải từ những nhà máy, khu công nghiệp này lại thải một lượng khí thải lớn vào không khí. Và lượng khí thải này làm tăng tỷ lệ bụi mịn và nguy cơ gây ô nhiễm không khí là cực kỳ cao.
Cùng với các nhà máy, các khu công nghiệp, các công trình cũng được xây dựng nhiều hơn. Các loại vật liệu như xi măng, đất, cát,… cũng tạo ra một lượng bụi mịn đáng kể.
2.4. Hiện tượng nghịch nhiệt, mù quang hóa
Khi thời tiết xuất hiện hình thái nghịch nhiệt bức xạ, hiện tượng đảo nhiệt sẽ được tăng cường. Cùng với đó, độ ẩm trong không khí sẽ khiến cho những bụi bẩn tích tụ và ngưng kết lại tạo thành hiện tượng mù quang hóa. Mù quang hóa xuất hiện làm cho chất lượng không khí bị giảm sút. Và nó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Những nguyên nhân tạo nên bụi mình trong không khí có thể xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hay khách quan khác nhau. Dù đó chỉ là những hạt bụi rất nhỏ nhưng chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Bởi tác hại của bụi mịn vô cùng đáng sợ.
3. Tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe
Tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe là một ẩn số mà chưa có được một đáp án chính xác nào. Các hạt bụi sẽ xâm nhập vào cơ thể chúng ta thông qua đường hô hấp. Những hạt bụi mịn với kích thước khác nhau sẽ tiềm ẩn những nguy hiểm khác nhau.
Thông thường, những hạt bụi có kích cỡ PM10 chỉ có thể di chuyển và đọng lại ở phổi người, nên chúng có tác hại tương đối ít hơn.
Còn những hạt bụi có kích thước nhỏ như PM2.5 thì có khả năng nguy hiểm cao hơn. Chúng có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch, hệ tuần hoàn… gây suy giảm hệ miễn dịch và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của chúng ta. Những hạt PM2.5 này có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm như: Nhiễm độc máu, suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, máu khó đông,… Ngoài ra, nó còn có nguy cơ cao gây nên các bệnh về hô hấp, bệnh phổi như: Viêm phế quản, hen suyễn,.. thậm chí gây ung thư hoặc tử vong.
Và theo nhiều nghiên cứu thế giới đã cho thấy rằng, bụi mịn còn có khả năng tạo ra những biến đổi gen, ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ nhỏ.
Với những tác hại khôn lường như vậy, việc phòng chống bụi mịn, phòng chống ô nhiễm không khí dường như đã không còn là nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay một tổ chức nào nữa. Và mỗi người chúng ta cần chung tay để góp phần đẩy lùi tình trạng này một cách nhanh nhất.
4. Cách nhận biết bụi mịn trong không khí
Do có kích thước rất nhỏ nên việc mắt thường có thể nhìn thấy những hạt bụi mịn là vô cùng khó khăn. Vì vậy, các bạn có thể nhận thấy bụi mịn bằng một số mẹo đơn giản như:
- Sau khi đi ngoài đường về, ban có thể nhìn trên quần áo hay cặp sách. Nếu thấy trên đó có một lớp bụi trắng, bạn có thể biết rằng, đó là dấu hiệu của sự ô nhiễm.
- Sờ tay lên mặt, những vùng da hở không được che chắn hoặc là bặm môi lại để kiểm tra xem có bụi trên cơ thể hay không.
- Khi đi ngoài đường, bạn thấy một lớp sương mờ, hạn chế tầm nhìn của mình. Đừng lầm tưởng đó là sương mù. Vì đó là dấu hiệu của bụi và cho bạn thấy được sự ô nhiễm trong không khí đang ở mức báo động.
- Bạn có thể đố chỉ số không khí bằng các ứng dụng đo chỉ số AQI hoặc theo dõi các chỉ này trên website uy tín về môi trường.
5. Các biện pháp phòng chống tác hại của bụi mịn
5.1. Đeo khẩu trang chuyên dụng chống bụi mịn
Khẩu trang là một vật dụng không thể thiếu khi ra đường của bất kỳ ai. Nó vừa giúp chống nắng và cũng vừa giúp chống bụi một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải loại khẩu trang nào cũng có tác dụng phòng chống bụi mịn. Bạn cần lựa chọn những loại khẩu trang thích hợp để tăng hiệu quả phòng chống bụi mịn. Và những loại khẩu trang y tế thông dụng nhất hiện nay hoàn toàn không có tác dụng này. Vì vậy, bạn nên cân nhắc lựa chọn khẩu trang thích hợp để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân.
Nên chọn những khẩu trang có 4-5 lớp lọc. Gồm có những lớp như: lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính,… Đồng thời, có kiểu dáng phù hợp để đảm bảo độ kín và chống bụi tốt nhất.
5.2. Hạn chế ra đường vào những ngày, những giờ cao điểm
Vào những ngày, những giờ cao điểm, chỉ số AQI trong không khí ở mức cực kì cao. Điều đó đồng nghĩa với việc, lượng bụi mịn trong không khí cũng cao. Vì vậy, hạn chế ra đường vào những giờ cao điểm này giúp bạn giảm thiểu lượng bụi hít phải từ không khí.
5.3. Đeo kính chắn bụi khi ra đường
Ngoài mũi, họng, bảo vệ mắt khỏi những bụi bẩn và tác nhân gây ô nhiễm không khí cũng là điều cần thiết. Bạn nên trang bị những vật dụng để bảo vệ cho đôi mắt của mình như: kính râm, kinh chắn bụi,… Đây là một biện pháp vừa giúp bạn có thể bảo vệ đôi mắt của mình, vừa giúp lượng bụi tiếp xúc với cơ thể bạn giảm đi rất nhiều.
5.4. Vệ sinh tai mũi họng
Sau khi tham gia giao thông trên đường về, bạn cần vệ sinh tai mũi họng của mình. Việc làm này giúp cho những bụi bẩn và vi khuẩn không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể bạn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
5.5. Loại bỏ thói quen đốt vàng mã, rơm rạ
Đốt vàng mã, rơm rạ,… dường như đã trở thành một thói quen gắn liền với đời sống văn hóa nước ta từ rất lâu. Tuy nhiên, thói quen này lại tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại đối với môi trường. Nhất là môi trường không khí. Vì vậy, chúng ta cần chấm dứt ngay thói quen này để bảo vệ chính mình, cũng như bảo vệ những người xung quanh chúng ta. Và việc đốt rác tự phát cũng cần được chấm dứt. Thay vào đó là phân loại rác một cách hợp lý để giữ lại những loại rác có thể tái chế, giúp bảo vệ môi trường.
5.6. Trang bị máy lọc không khí tại nhà
Với sự ô nhiễm không khí như hiện nay, việc trang bị một máy lọc không khí tại nhà là điều vô cùng cần thiết. Máy lọc không khí giúp loại bỏ những bụi bẩn trong không khí ngay trong căn nhà của bạn. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý lựa chọn loại máy lọc chính hãng, không mua những loại máy kém chất lượng trên thị trường.
5.7. Trồng nhiều cây xung quanh nhà
Nên trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà, nhất là những loại cây có tác dụng lọc không khí sẽ là một phương án tốt để phòng tránh những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm bụi mịn hiện nay đang là một vấn đề gây nhức nhối và thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Tình trạng bụi mịn tăng nhanh đột biến ở các thành phố. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở các khu vực này.
Vì vậy, dù là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan, mỗi cá nhân hãy nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của mình để góp phần giảm tác hại của bụi mịn đến đời sống của chính chúng ta.
Kiều Duyên tổng hợp