Cách làm dưa muối không quá cầu kì. Vì đây là một món ăn dân dã, quen thuộc ở Việt Nam được chế biến bằng nguyên liệu chính là rau cải. Đây là món ăn kèm, làm bớt ngán khi ăn những món quá nhiều dầu mỡ. Món ưa cải muối chua này thường kích thích vị giác rất tốt (do có vị chua), nên tạo sự ngon miệng và thèm ăn. Dưới đây là hướng dẫn cách muối dưa chua giòn ngon cho bạn.
1. Cách làm dưa muối ngon đúng chuẩn
1.1. Nguyên liệu muối dưa
- 1 kg cải xanh: Bạn nên chọn loại cải tươi, không non, không già, không dập nát, héo úa ngả màu vàng.
- 1 lít nước đun sôi (để nguội)
- 20g đường
- 60g muối, loại hạt to
- 3 thìa cà phê nhỏ dấm.
- Hành củ, hành lá, ớt tươi
- Dụng cụ muối dưa có thể là: hũ, bình, chum, vại, âu…
1.2. Cách làm dưa muối
1.2.1. Làm héo rau cải
- Cải xanh sau khi mua về rửa sạch loại bỏ các lá sâu, úa hỏng sau đó mang ra nắng phơi khoảng 2-3 tiếng, nếu trời không có nắng thì để trong mát khoảng nửa ngày.
- Quan sát rau cải khi thấy lá đã héo lại, các bẹ hơi co, sờ vào rau cảm giác mềm và dai hơn là được.
- Rau cải sau khi được làm héo dùng dao cắt bỏ đoạn dễ thừa và các đoạn sâu, cắt rau thành các khúc khoảng 3 – 5cm. Rửa sạch lại bằng nước và để cho rau khô ráo trước khi muối.
- Hành củ, hành lá: rửa sạch, cắt khúc vừa phải.
1.2.2. Làm sạch dụng cụ muối
- Hũ rửa sạch, để khô ráo. Bạn có thể tiến hành vệ sinh kỹ càng hơn bằng cách úp vào nồi nước đun sôi khoảng 10 phút, dùng khăn hoặc giấy khô lau sạch, để khô. Đây là cách tiến hành khử trùng cho dụng cụ.
Mẹo nhỏ: Muối dưa bằng hũ thủy tinh hoặc gốm/sứ sẽ ngon hơn khi muối bằng hũ nhựa.
1.2.3. Pha nước muối dưa cải
- Nước muối dưa cải sẽ quyết định đến hương vị của dưa sau khi muối vì những thành phần gia vị trong đó nên bạn cần chú ý hơn.
- Pha nước đun sôi để nguội với muối theo tỷ lệ 1:3:1 (1 lít nước cần 3 thìa muối hạt và 1 thìa đường) và dùng đũa khuấy đều.
- Bạn có thể thử trước vị của nước xem vừa chưa, có thể điều chỉnh theo khẩu vị của mình và người khác nếu đã biết.
- Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho 1 ít dấm chua để quá trình lên men được nhanh hơn.
1.2.4. Cách muối dưa giòn, ngon
- Khi cho dưa vào dụng cụ muối, bạn nên xếp lần lượt theo thứ tự cọng xuống trước, lá phủ lên trên vì cọng là phần cứng nhất nên cần nhiều thời gian để chín hơn.
- Lớp cuối cùng bạn thêm hành củ, hành lá, các loại gia vị khác.
- Rau cải cho vào hũ ngập nước và đậy không cần quá kín để có oxy lên men dưa
- Lưu ý quan trọng là bạn phải để dưa ngập nước để tránh bị thâm, không chín đều.
- Nếu không đủ nước hãy dùng vật nặng đè xuống (như túi nước) hoặc thanh tre nén dưa cải xuống.
1.2.5. Bảo quản và sử dụng dưa cải muối
- Khi muối xong, bạn chọn nơi khô thoáng, để dưa muối khoảng 2 ngày là dưa vàng, rất ngon.
- Nếu trời có nắng, bạn nên đem phơi hũ dưa ngoài nắng 1 ngày, ngày hôm sau để lọ dưa ở nơi mát.
- Khi lấy dưa ra, bạn dùng đũa gặp nhẹ nhàng từ phần trên xuống. Nếu muốn ăn phần cuống, bẹ thì nên để sang ngày hôm sau cho bớt hăng.
- Dưa cải chua thường được ăn kèm cùng với thịt, cá rán hay làm nguyên liệu để chế biến các món canh chua như cá chép om dưa, thịt bò xào dưa hay dưa rang cơm thập cẩm … thì đều ngon cả.
2. Những lưu ý khi muối dưa
- Nước muối dưa cần phải cho muối vào rồi đun sôi và để nguội thì làm dưa mới không bị màng. Lượng muối cho vào bạn nêm nếm thấy hơi đậm một chút là được. Nếu thích ăn đường có thể cho thêm nhưng nếu thêm đường dưa sẽ nhanh có nhớt.
- Khi tất cả các bước đã hoàn thành,ta chỉ việc xếp dưa vào lọ thủy tinh, đổ nước muối dưa, thêm hành lá rồi đổ nước muối vào. Chèn vỉ lên trên dưa, đậy nắp bình để từ 3 – 5 ngày là ăn được.
- Cải cần được ngâm ngập hoàn toàn dưới nước, tránh bị ủng phần rau không ngập nước bên trên.
- Có thể gia giảm lượng muối, đường, giấm tùy theo khẩu vị.
- Khi dưa đã đạt đến độ chua vừa ý, bạn nên bảo quản dưa trong tủ lạnh, tránh để dưa tiếp tục lên men.
- Rau cải sau khi phơi nắng cho hơi héo, thì rửa thật sạch rồi để ráo nước. Nhiều người rửa trước mới đem phơi nắng cũng được. Nhưng có một điều cần đặc biệt lưu ý là khi muối dưa cải thì rau cải phải thật sự khô ráo nếu không sẽ bị màng, hỏng.
- Lọ muối dưa nên dùng lọ thủy tinh và cũng phải sạch và khô ráo hoàn toàn. Vỉ chèn dưa cũng cần khô tương tự.
- Tay lúc bạn làm dưa cũng phải khô ráo, không được dính ít nước lã nào.
3. Lưu ý khi sử dụng dưa muối
- Không ăn dưa muối chưa chín: Dưa muối khi chưa chín, còn có màu xanh thường chứa nhiều muối nitograt dễ gây ngộ độc, làm mệt tim, gây ra các hiện tượng thở dốc, tức ngực… Ngoài ra, nêu ăn nhiều, hợp chất này tích tụ trong cơ thể cũng có thể gây bệnh ung thư.
- Nên rửa sạch, vắt nước trước khi ăn: Dưa muối rất mặn, nếu ăn nhiều dễ gây hại cho thận nên bạn có thể rửa và vắt sạch nước trước khi ăn. Điều này giúp loại bỏ bớt muối trong dưa cũng là một cách ăn tốt cho sức khỏe.
- Không ăn quá nhiều dưa muối: Mỗi ngày 1 người chỉ nên ăn khoảng 50g dưa muối và không nên ăn thường xuyên món này. Nguyên nhân là do trong dưa muối có chứa rất nhiều axit oxalic và canxi, nếu bạn ăn quá nhiều món này có thể gây nên chứng sỏi thận.
- Người cao huyết áp không nên ăn: Món dưa này bản chất đã chứa rất nhiều muối, đồng thời tuy có vị chua nhưng lại không chứa vitamin C, nếu ăn nhiều dễ dẫn đến cao huyết áp. Chính vì thế người đã có bệnh cao huyết áp đặc biệt nên tránh xa thực phẩm này.
Cách làm dưa muối không có gì khó, chỉ cần bạn lưu ý từ khi chọn nguyên liệu cho đến các bước thực hiện chắc chắn sẽ thành công. Và đừng quên theo dõi Chuyên mục Ẩm thực để có thêm nhiều công thức nấu ăn ngon cho gia đình mình nhé.
Lê Linh tổng hợp